Monday, December 12, 2011

GIOVANNI FALCONE



I. LỜI GIỚI THIỆU
        Giovanni Falcone (18/5/1939 – 23/5/1992) là một vị thẩm phán người Sicile Italy, sinh quán tại Palermo trên đảo Sicile. Palermo là thành phố chính, lớn nhất ở Sicile, được xem như đất dụng võ, thánh điạ của Mafia. Từ văn phòng của ông ta trong viện Tư Pháp ở Palermo, Giovanni Falcone cố gắng “lật đổ” sức mạnh của Mafia ở Sicile. Sau một thời gian dài thành công trong nghề luật sư, Giovanni Falcone nổi tiếng trong phiên tòa Maxi, tống cổ hàng chục tay găng tơ cỡ lớn vào tù. Ông ta bị gia đình Mafia Corleonesi (Cosa Nostra) lớn mạnh nhất nước Ý giết chết trong tháng Năm 1992 trên đường xe di chuyển gần Capaci.
        Cuộc đời Giovanni Falcone song song với cuộc đời một người bạn rất thân, Paolo Borsellino. Cả hai người chia xẻ tuổi ấu thơ trong khu vực người nghèo, thành phố Palermo. Trong hoàn cảnh nghèo, lớn lên nhiều người bạn cùng lứa trở nên những tay găng tơ, gia nhập đảng xã hội đen Mafia, nhưng cả hai Falcone lẫn Borsellino đều quyết tâm làm người tốt, đối diện với bóng tối, những chuyện phạm pháp, tội lỗi. Cả hai người đều trở thành thẩm phán nổi tiếng ở Palermo, chuyên về các tội phạm Mafia. Cả hai đều bị Mafia giết chết, bằng bom, chết cách nhau chưa đầy một tháng. Để tri ân cho những cố gắng trong việc làm của họ, và sự hy sinh trong trận chiến với Mafia, cả hai được ân thưởng huy chương vàng “Phục Vụ” trong năm 1992. Ngày 13 tháng Mười Một năm 2003, hai vị thẩm phán quá cố được trao tặng danh hiệu “Anh Hùng trong 60 năm qua”.

II. THÂN THẾ SỰ NGHIỆP
        Giovanni trải qua tuổi niên thiếu trong quận Magione, thành phố Palermo. Khu vực này bị tàn phá vì phi cơ thả bom, khi quân Đồng Minh đổ bộ lên Italy trong trận Đệ Nhị Thế Chiến năm 1943. Ông là con trai của Arturo Falcone, giám đốc phòng thí nghiệm Hoá Học trong thành phố, mẹ ông là bà Luisa Bentivegna. Sau khi xong bậc trung học, Giovanni Falcone học trường Võ Bị Hải Quân ở Livorno một thời gian ngắn rồi theo ngành Luật. Ông tốt nghiệp năm 1961, tập sự trong ngành rồi trở thành luật sư năm 1964. Giovanni Falcone theo đuổi ngành luật “Hình Sự” và trở nên một vị Thẩm Phán.
        Một ít lâu sau khi thẩm phán Cesare Terranova bị ám sát chết, Giovanni Falcone được trao nhiệm vụ trong ban điều tra phòng truy tố tội phạm ở Palermo. Trong tháng Năm 1980, vị trưởng phòng Rocco Chinnici trao cho Falcone nhiệm vụ điều tra một đường giây ma túy lớn, do hai tay “cấp chỉ huy” Rosario Spatola và Salvatore Inzerillo điều khiển. Từ Sicile, số lượng ma túy được chuyển đi New York cho gia đình Mafia Gambino, gia đình Mafia lớn mạnh nhất ở Hoa Kỳ. Thẩm phán Gaetano Costa, người truy tố vụ này đã ký lệnh bắt giữ 53 tay găng tơ trong đường giây ma túy Spatola-Inzerillo-Gambino, tháng Năm 1980. Ông ta (Gaetano Costa) bị ám sát chết hôm 6 tháng Tám năm 1980, theo lệnh của Inzerillo.
        Bất ngờ được trao nhiệm vụ, Giovanni Falcone cảm thấy chới với, không có đủ tài liệu, giấy tờ để điều tra. Trong tháng Năm 1982, chính quyền trung ương Italy gửi đến Palermo một vị Tướng trong ngành cảnh sát Carlo Alberto Dalla Chiesa, để diệt tận gốc các băng đảng Mafia ở Sicile. Tuy nhiên chẳng bao lâu, ông Tướng cảnh sát bị bắn gục trên đường phố nơi trung tâm thành phố bên cạnh cô vợ trẻ, ngày 3 tháng Chín năm 1982. Hết vụ mưu sát này đến vụ khác, người dân Sicile phẫn nộ, bọc lộ sự căm phẫn ra ngoài. Bên ngoài nhà thờ, các “Ngài Chính Trị Gia” bị người dân la ó, phản đối, nguyền rủa, đổ lỗi đã dung túng Mafia từ nhiều năm qua. Để bảo đảm an ninh giới luật pháp, chính quyền Italy cung cấp cho Giovanni những điều “cần thiết” để làm nhiệm vụ.
        Nhận nhiệm vụ thẩm phán, đối đầu với Mafia là một gánh nặng trên đôi vai, ảnh hưởng đến đời tư của Falcone. Khi ông ta lấy vợ Francesca Morvillo, đám cưới phải giữ trong vòng bí mật để bảo đảm sinh mạng cho người vợ. Đích thân ông Thị Trưởng thành phố Palermo, Leoluca Orlando đứng ra làm chủ hôn. Lễ cưới bí mật, lặng lẽ trong đêm khuya ngày thứ Bẩy, làm cho cô thư ký của ông thị trưởng ngạc nhiên. Không một người khách được mời, kể cả hai họ đàng trai, đàng gái… và không chụp ảnh kỷ niệm.
        Thẩm phán Giovanni Falcone đưa ra một phương thức mới trong việc điều tra, dò theo “đường giây tiền” để thâu thập bằng chứng. Sau đó, xếp Rocco Chinnici đưa Falcone vào trong ban đặc biệt “Chống Mafia”, do ông ta dựng nên. Nhóm này bao gồm các vị thẩm phán chuyên điều tra về các tội phạm của Mafia, nên họ làm việc chung, chia xẻ tin tức lẫn nhau. Ngoài Falcone, trong nhóm có người bạn “nối khố” Paolo Borsellino, và hai thẩm phán nổi tiếng khác, Giuseppe Di Lello, Leonardo Guarnotta.

III. PHIÊN TÒA MAXI (The Maxi Trials)
        Ban “Chống Mafia” phác họa ra một chương trình làm việc cho phiên tòa Maxi, chống lại Mafia Sicile. Trong tháng Bẩy năm 1983, đến lượt xếp (trưởng phòng Truy Tố Tội Phạm) Chinnici… bị ám sát chết. Người lên thay ông ta là thẩm phán Antonino Caponnetto, Falcone được trao trách nhiệm “nhân vật chính” cho phiên tòa Maxi, bắt đầu từ ngày 10 tháng Hai năm 1986, kết thúc ngày 16 tháng Mười Hai năm 1987 (gần 2 năm). Trong số 474 tay găng tơ Mafia bị đưa ra tòa, 360 người bị kết tội nặng, kể cả 119 tay găng tơ khác vị kết tội khiếm diện (vắng mặt, chưa tóm được).
        Một trong những điểm quan trọng trong phiên tòa Maxi là lời khai của Tommaso Buscetta, một người đầu tiên làm (dám làm) mật báo viên (Pentito) trong đảng Mafia. Ông ta đứng trước tòa làm nhân chứng kéo dài cả tuần lễ. Tommaso Buscetta phơi bầy những điều “bên trong” nội bộ Mafia cũng nhờ tài khéo léo của Giovanni Falcone. Ông ta sau này nói rằng, Thẩm Phán Falcone không như những vị thẩm phán, nhân viên công lực khác… Ông ta (Falcone) đối xử với tôi một cách kính trọng…
        Trong năm 1988, Giovanni Falcone làm việc với Rudolph Giuliani, lúc đó đang làm thẩm phán Hoa Kỳ trong các quận phía nam thành phố New York. Giuliani sau đó lên làm Thị Trưởng thành phố New York trong nhiều năm. Hai vị thẩm phán Ý – Hoa Kỳ phối hợp để “tấn công” hai gia đình Mafia, Gambino (Hoa Kỳ) và Inzerillo (Ý).

IV. BỊ ÁM SÁT CHẾT
        Sau thành công của phiên tòa Maxi, sự lo âu của mật báo viên Tommaso Buscetta như lời cảnh cáo cho biết, Mafia sẽ không bao giờ “ngừng” cho đến khi cuộc đời của vị thẩm phán kết liễu. Lời cảnh cáo trở nên… rõ ràng, mặc dầu Giovanni Falcone hết sức cẩn thận, đề phòng. Trong tháng Sáu năm 1989, thẩm phán Falcone đang nghỉ ngơi (nghỉ hè) nơi căn nhà ngay bãi biển của ông ta, nhân viên cận vệ vào trình cho biết, có một túi thể thao, ai bỏ quên ngoài bờ biển, gần chỗ nước thủy triều lên xuống. Chuyên viên chất nổ sở cảnh sát lại lấy đi, bên trong túi thể thao chứa chất nổ Plastic, sẽ phát nổ khi có người không biết cầm lên.
        Sau vố đó, Giovanni Falcone biết lời cảnh cáo của Buscetta lằ sự thật, ông ta nhớ lại lời nói của một người bạn đồng nghiệp (thẩm phán) “Cuộc đời tôi đã được ‘đóng khung’. Định mệnh, hôm nào đó tôi sẽ ăn đạn của Mafia. Có điều, tôi vẫn chưa biết lúc nào”.
        Ngày 23 tháng Năm 1992, theo lệnh của Ông Trùm khát máu gia đình Corleonesi (Cosa Nostra ở Sicile) Salvatore “Toto” Riina, một qủa bom nửa tấn (kinh khủng, có thể phá xập một building) được đặt trên đường giữa phi trường quốc tế Palermo và thành phố Palermo. Đàn em của Ông Trùm Riina nấp trong một building gần đó xử dụng remote cho nổ tung quả bom. Thẩm phán Giovanni Falcone, bà vợ Francesca Morvillo, ba người cận vệ: Rocco Dicillo, Antonio Montinaro, và Vito Schifani chết ngay tức khắc. Sức công phá của quả bom qúa kinh hoàng, như một cơn điạ chấn, đào một hố rộng lớn trên đường (xem hình). Hàng ngàn người dân Sicile đến thăm viếng quan tài hai vợ chồng thẩm phán Falcone nơi thánh đường Bascilica od San Domenico. Đám tang dành cho vị thẩm phán được trực tiếp trên đài truyền hình cả nước. Quốc Hội Ý tuyên bố ngày tang lễ quốc gia.

V. ĐOẠN KẾT
        Sau khi Giovanni Falcone bị giết chết, người bạn “nối khố” năm xưa, Paolo Borcellino lên thay, tiếp tục công việc đối đầu với Mafia. Ông ta chưa kịp trả thù cho bạn, không đầy một tháng cũng bị giết chết, cũng bằng bom. Chính quyền Italy do sự thúc đẩy của người dân làm một cú “càn quét” quyết liệt, bắt giữ được Ông Trùm Salvatore “Toto” Riina, tống giam xuống ngục với án tù chung thân. Cảnh sát bắt được thủ phạm giết chết Falcone, một đàn em thân tín của Riina, Giovanni Brusca. Tên này có biệt danh “Đồ Tể”, thú nhận là người đặt bom giết thẩm phán Falcone.
        Ngày nay, phi trường quốc tế Palermo được đặt tên Falcone-Borcellino, trong niềm danh dự của hai vị thẩm phán quá cố. Hình ảnh của hai người được lấy làm biểu tượng cho những chiến dịch chống Mafia. Câu chuyện về Thẩm Phán Giobanni Falcone đã được quay thành nhiều phim, chiếu trên đài truyền hình Italy.


Sungkyunkwan University
Dept. of Computer Education
vđh (11/12/2011)      

No comments:

Post a Comment